Danh Sách Làm Đẹp

Top 8 địa danh làm nên chất thơ của Hà Nội

Đền Ngọc Sơn

Có câu thơ mà mỗi người dân Hà Nội đều biết đến: 
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem Cầu Thê húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

Nếu đã đến Hồ Gươm thì không thể bỏ lỡ di tích này, đây là một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội xưa kia. Đền Ngọc Sơn gồm tam tòa, tòa tiền bái thờ Quan Công, tòa chính điện thờ Văn Xương đế quân, hậu cung thờ Hưng Đạo Vương. Ngoài ra trong đền còn thờ Phật A Di Đà. Đền Ngọc Sơn nằm giữa hồ, bao quanh là nước, trong đền trồng nhiều cây xanh. Mùi nhang khói, sự yên tĩnh đưa con người ta đến cõi thiên thai, cảm giác thoát tục, những vướng bận của cuộc sống được gác lại mỗi khi tới nơi đây.

Gò Đống Đa

Ngày nay Gò Đống Đa chỉ là một gò đất được nổi lên nằm ở tuyến đường phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Gò Đống Đa cùng với Chiến thắng Ngọc Hồi – Đầm Mực dưới sự chỉ huy của Quang Trung đã phá tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long chiến công hào hùng của dân tộc. 

Vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán hàng năm diễn ra lễ hội Gò Đống Đa để tưởng nhớ lại công ơn các vị anh hùng đã giành chiến thắng năm xưa. 

Hồ Gươm

Hồ Gươm đã là một địa danh mà mỗi khách du lịch tới Hà Nội nhất định phải ghé qua. Nơi đây còn lưu giữ câu chuyện truyền kỳ đầy thần bí. Hồ Gươm còn mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử của thủ đô. Nước trong hồ luôn có một màu xanh ngắt, bởi loại tảo đặc trưng sống trong hồ mang lại. 

Giữa một thành phố đầy ồn ào, náo nhiệt Hồ Gươm lại là nơi yên bình nhất, người dân và khách du lịch thường tản bộ quanh hồ.

Cầu Long Biên

Cây cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến biết bao thăng trầm của đất nước. Trải qua bom rơi, đạn nổ tuy không còn nguyên vẹn như trước nhưng nó vẫn là cây cầu vững chãi nhất, trường tồn nhất trong tâm trí người dân nơi đây. Ngày nay thời bình, cây cầu như một dải lụa mềm mại nên thơ trữ tình bắc qua con sông Hồng. 

Có lẽ vẻ đẹp của cây cầu được lột tả đẹp nhất khi chiều tà và về đêm. Xa xa những đám mây hồng vội trôi nhanh theo gió nhường chỗ cho bóng đêm mịt mùng, ánh đèn được thắp sáng trở nên lung linh, huyền ảo hơn bao giờ hết, khung cảnh thật yên bình, lãng mạn.

Cầu Thê Húc

Cầu Thê Húc được làm lại năm 1952 thị trưởng Hà Nội lúc bấy giờ đã quyết định cho phá bỏ cây cầu gỗ thô sơ cũ. Màu sơn đỏ cùng với thiết kế cong cong trông như một con tôm lớn đang bật nhảy trên dòng nước xanh biếc. 

Đây là một trong những biểu tượng đặc trưng của Hà Nội, trải qua năm tháng, những biến cố lịch sử cây cầu vẫn tồn tại đến ngày nay cùng đất nước.

Làng gốm Bát Tràng

Ngôi làng gốm Bát Tràng này đã tồn tại và phát triển đến hàng trăm năm lịch sử, những sản phẩm chất lượng vẫn tồn tại với thời gian. Sản phẩm gốm truyền thống giờ đây không chỉ phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, mà còn có mặt trên nhiều quốc gia. 

Những người yêu gốm họ nhận thấy rằng không nơi đâu tay nghề sản xuất khéo như ở đây. Chất lượng hảo hạng, đường nét hoa văn tinh tế. Ngày nay không chỉ sản xuất, loại hình dịch vụ du lịch ở ngôi làng này cũng rất phát triển, nhiều du khách tới tham quan và tự tay làm một món quà kỷ niệm mang về.

Làng cổ Đường Lâm

Ngôi làng cổ Đường Lâm còn mang nhiều dấu ấn xưa cũ của làng quê Bắc Bộ nhiều nhất. Hầu như mức độ đô thị hóa chư lan rộng ảnh hưởng tới nơi đây. Không những thế nhiều nét sinh hoạt xưa cũ vẫn còn được thể hiện trong cuộc sống ngày nay. 

Vào mùa lúa chín những con làng chất đầy rơm khô, cái chân chất mộc mạc của hồn quê Việt khiến người ta như thoát hẳn cuộc sống đầy xô bồ, áp lực trong nội thành kia. Đặc sản của ngôi làng này là kẹo dồi, nhâm nhi cùng ly nước trà xanh mà mỗi du khách nhất định nên nếm thử.

Hồ Tây

Có thể nói Hồ Tây là nơi yên bình nhất, thoáng đạt, rộng rãi nhất của đất Thủ Đô. Hồ có diện tích hơn 500ha, ở một số chỗ hồ nông người dân trồng sen, vào mùa sen không gì tuyệt vời hơn khi đứng giữa khoảng không gian ấy mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp, mà cảm thụ hương sen đẹp đến nao lòng. 

Từ thời Lý Trần hồ Tây đã trở thành thắng cảnh, các vua chúa xây nhiều cung điện để nghỉ mát, bơi thuyền quanh hồ. Đến nay đất quanh hồ Tây được coi là vùng đất “vàng” có tiền cũng khó mua được. Đến nay Hồ Tây vẫn là địa điểm được lui tới nhiều vào mỗi khi bình minh hay chiều tà, vẫn rất bình yên, lặng lẽ. 

Thấp thoáng nghe xa xa bài hát quen thuộc khiến tâm hồn ta bỗng nhẹ nhàng đến kỳ lạ: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay mờ xa mời gọi! Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. 

Tags
Show More

Related Articles

Trả lời

Close